Linh mục và việc gìn giữ sức khỏe
Monday, December 3, 2012
Trong giáo phận chúng ta, có nhiều linh mục khỏe mạnh và rất dẻo dai trong sứ vụ phục vụ của mình, nhưng cũng không ít anh em linh mục khác đang phải lo lắng về tình trạng sức khỏe xuống cấp một cách đáng ngạc nhiên. Có người bị đường cao khi tuổi còn rất trẻ; có người bị béo phì quá sớm; có người bị chứng mỡ máu cao; có người bị tắc mạch máu hoặc những chứng bệnh khác, nên phải nghỉ công việc mục vụ giáo xứ để chữa bệnh. Có người phải ra đi rất sớm bởi cái chết bất đắc kỳ tử!
Dĩ nhiên, trong cái nhìn của đức tin, “mọi sợi tóc trên đầu không ngoài thánh ý Chúa” (x. Lc 21,18). Mỗi người có một số phận. Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta phớt lờ đi trách nhiệm của chúng ta. Có những bệnh tật được hình thành do đời sống, thói quen và cách ăn uống của mỗi người. Cần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chúng ta phòng bệnh bằng cách thực hành những việc sau đây:
1. Tập thể dục mỗi ngày
Ở giáo phận Vinh, vì giáo dân quá đông, số lượng linh mục còn thiếu, nhu cầu mục vụ thì nhiều, nên các linh mục rất bận rộn với công việc mục vụ, phục vụ giáo dân. Nhiều linh mục không có thời gian để lo cho chính mình, không có thời gian để nghỉ ngơi.
Dầu có nhiều việc phải làm, nhưng các linh mục có thể và nên sắp xếp thời gian tập thể dục và nghỉ ngơi. Trong một ngày có 24 giờ, cần sắp xếp cho mình có ít nhất 45 phút tập thể dục như đi bộ, chơi thể thao (bóng bàn, bóng chuyền hoặc bóng đá…). Các linh mục trẻ nên có máy tập thể dục trong phòng mình, để mỗi ngày có thể tập vào những giờ thuận tiện. Khi tập thể dục, đi dạo, có thể lần hạt hoặc nguyện gẫm, suy niệm Lời Chúa và soạn bài giảng (dĩ nhiên, khi cầu nguyện không được tập thể dục, nhưng khi tập thể dục, có thể cầu nguyện).
Theo các chuyên viên về sức khỏe, tập thể dục là cách thế tốt nhất để gìn giữ sức khỏe. Việc tập thể dục hằng ngày rất cần thiết để kích thích hệ thần kinh hoạt động tốt, điều hòa kinh mạch, tăng cường chức năng đề kháng của các tế bào trong các bộ phận của cơ thể. Ở Mỹ, khi đi khám bệnh, bác sỹ thường yêu cầu đầu tiên là tập thể dục, rồi phải thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt và sau cùng mới cho thuốc uống.
Tập thể dục là điều ưu tiên nên làm hằng ngày trong việc bảo toàn sức khỏe. Ngoài chuyện giúp cho cơ thể rắn, chắc, tập thể dục còn giúp cho cơ thể hấp thụ chất bổ từ thức ăn, thức uống, giúp bài tiết chất cặn bã dễ dàng, và đặc biệt là giúp phòng ngừa những tình trạng quá mức như nghẹt máu, tai biến mạch máu não, tay chân bị tê liệt.
Mỗi ngày sống của linh mục thường có ít hoạt động cơ bắp, ít vận động, chủ yếu là các hoạt động tinh thần, nên càng cần phải vận động bằng việc tập thể dục mỗi ngày. Nếu không thể tập liên tục mỗi ngày, thì ít nhất nên tập 3 lần mỗi tuần. Đó là cách phòng các bệnh tốt nhất.
2. Để ý khi ăn uống
Mọi cái quá đều không tốt. Trong ăn uống cũng vậy, nếu chúng ta ăn quá nhiều hoặc không để ý đến những gì mình cần phải ăn và những gì không nên ăn, thì nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Từ xưa, người Latin khuyên chúng ta: “Nên dừng lại khi miệng còn muốn ăn”. Khi đi khám ở Mỹ, bác sỹ khuyên tôi ăn 70%. Không nên ăn quá nhiều vì đó là nguyên nhân gây các bệnh, nhất là ăn nhiều cơm, nhiều món có nhiều chất mỡ, chất béo và dầu... Cần ăn nhiều món rau, hoa quả, và cá biển là tốt cho sức khỏe.
Do lòng yêu mến, các linh mục thường là đối tượng được mời tham dự các bữa tiệc của gia đình và giáo xứ. Trong các bữa tiệc, người ta thường dọn rất thịnh soạn, có nhiều món ăn “ngon” (delicious) nhưng chưa hẳn là món ăn “khỏe mạnh” (healthy). Nếu không ý thức trong ăn uống, ăn nhiều những món này cũng là nguyên nhân gây khủng hoảng thừa chất nơi các linh mục. Các chất béo, dầu, đường, mỡ, hóa học mỗi ngày tích lũy thêm, dần dần chúng trở thành nguyên nhân gây cao mỡ, cao máu, cao đường …
Vì thế, nên làm, chọn và ăn các món thức ăn ít đường, ít mặn và ít mỡ. Ăn đồ luộc thì tốt hơn đồ chiên xào.
Trong các loại thịt, không nên ăn nhiều thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn có nhiều mỡ. Ưu tiên ăn thịt gà, nhưng không ăn da vì có nhiều mỡ.
Đồ hải sản, nên ăn cá nhiều là tốt cho sức khỏe. Các thứ khác như tôm, cua, ghẹ, mực nên vừa chừng vì chúng có nhiều chất cholesterol.
Nên ăn rau và trái cây nhiều, nhưng phải là rau sạch và trái cây không bị dùng chất hóa học.
Các chuyên gia sức khỏe ngày nay khuyên nên ăn nhiều vào buổi sáng, ăn vừa vào bữa trưa và ăn ít vào buổi tối. Nếu chúng ta ăn tối quá nhiều, vừa khó ngủ, lại vừa dễ trở nên béo phì.
3. Nghỉ ngơi
Linh mục cũng cần phải dành thời gian cho mình. Đó là việc làm chính đáng và phải đạo. Nếu có ai đó hoặc chính linh mục nghĩ rằng linh mục phải phục vụ 24/24, 7 ngày/1 tuần, mà không có giờ cho mình để nghỉ ngơi, thì đó là điều không những vô lý, vô trách nhiệm, mà còn thiếu khôn ngoan. Cần có những giờ khắc cho việc riêng, thư giãn, giải trí, nghỉ ngơi, đọc sách, suy nghĩ, cầu nguyện. Những hoạt động này giúp giải tỏa những căng thẳng và tái tạo sự quân bình cho cuộc sống.
Ở các nước phát triển như ở Mỹ, mỗi tuần, các linh mục có một ngày nghỉ (day off), trong ngày đó họ được tự do và không phải làm việc mục vụ giáo xứ để nghỉ ngơi. Mỗi năm có một tháng nghỉ hè và 10 năm có một năm nghỉ sabbatical để học hỏi thêm một chuyên môn và nghỉ ngơi.
Chúng ta chưa có những quy định này trong giáo phận, nhưng các linh mục cũng cần sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi cách hợp lý trong ngày và trong tuần với mục đích là để phục vụ tốt hơn.
4. Nên đi khám sức khỏe định kỳ
Sống trong một đất nước chưa phát triển về an sinh xã hội và bảo hiểm y tế, chúng ta chưa có đủ điều kiện để kiểm tra sức khỏe định kỳ tại địa phương. Vì thế, các linh mục nên sắp xếp có thời gian đi đến các bệnh viện có uy tín để kiểm tra sức khỏe theo định kỳ 6 tháng một lần, hoặc ít ra 1 năm một lần để biết rõ tình trạng và diễn biến sức khỏe của mình. Khám tổng quát là phương pháp hữu hiệu để biết được sức khỏe của mình. Nếu dư thừa chất gì hoặc thiếu chất gì thì qua xét nghiệm máu chúng ta biết để điều chỉnh trong ăn uống và uống thuốc.
5. Biết tổ chức đời sống
Các linh mục là người của cộng đoàn, của công chúng, nên có quá nhiều việc phải làm và cũng không thiếu những áp lực. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII có một thái độ hài hước và thanh thoát trước những trách nhiệm và lo lắng của một mục tử. Ngài nói: “Giáo Hội là của Chúa, thôi con đi ngủ đây”.
Đời sống linh mục rất dễ bị căng thẳng vì bổn phận và công việc. Có những lúc chúng ta cảm thấy bị ngộp thở trong công việc. Cần biết tổ chức đời sống và sắp xếp công việc của mình. Nếu không chúng ta dễ trở thành những người “bận rộn kinh khủng đến nỗi không có giờ để làm việc nữa!”, dễ bẳn gắt, căng thẳng và nóng nảy với mọi người.
Nếu chúng ta biết tổ chức đời sống có trật tự, khoa học, có giờ làm việc, giờ cầu nguyện, giờ đọc sách, giờ nghỉ ngơi hợp lý. Nó sẽ giúp chúng ta dùng thời gian cách hữu ích và có hiệu quả.
Kết luận
Sức khỏe tự bản chất là quà tặng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Không ai là ông chủ sức khỏe mình. Nhưng mỗi người có bổn phận bảo vệ, gìn giữ và chăm sóc nó như những nén bạc mà Người giao cho. Sức khỏe cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sứ vụ linh mục. Người ta nói rằng: “Khi khỏe ta ước muốn làm trăm việc, nhưng khi bệnh tật ta chỉ ước muốn một điều thôi. Đó là có sức khỏe”. Vì thế, các linh mục cần quan tâm đến vấn đề này.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Post a Comment