TÀI LIỆU SINH HOẠT THIẾU NHI THÁNH THỂ
Thursday, February 18, 2016
ĐỀ CƯƠNG HUẤN LUYỆN TÔNG ĐỒ ĐỘI TRƯỞNG
Phuơng Pháp Trình Diện
Các Thế Nghiêm Tập Căn Bản
Các Đội Hình Căn Bản
MỘT SỐ BÀI CA TNTT
ĐỀ CƯƠNG HUẤN LUYỆN TÔNG ĐỒ ĐỘI TRƯỞNG
A.- DẪN NHẬP
Trong hoàn cảnh hiện tại của các xứ đoàn trong giáo phận, quan niệm về đội trưởng còn nhiều khác biệt giữa nơi này với nơi khác; người này với người khác. Mỗi quan niệm đều có thể đưa ra những luận chứng để bảo vệ ý kiên của mình. Các cuộc tham khảo trực tiếp và thực tế với các trưởng đã từng và đang cầm đoàn TNTT hiện nay cho thấy có hai "trường phái" đang nổi bật, và còn lâu mới có thể đi đến thống nhất, bởi còn phải chờ đợi thành quả của từng phương pháp trong bối cảnh đặc biệt của TNTT hiện nay. Hai “trường phái” nổi bật đó là:
- Trường phái 1 chủ trương đội trưởng phải lớn hơn hẳn các các đội sinh như anh cả với em út, được cấp trên cắt đặt để coi đội (tạm gọi là ĐT cách 1) : chọn từ các đoàn sinh sau tuổi nghĩa sĩ, hoặc dự trưởng để huấn luyện làm đội trưởng cho tất cả các ngành.
- Trường phái 2 chủ đồ đội trưởng bằng tuổi hoặc nhỉnh hơn một chút, được tuyển chọn ngay trong số các đội sinh (tạm gọi là ĐT cách 2): Chọn các em trổi vượt trong các đội cùng ngành, cùng lứa tuổi, huấn luyện làm đội trưởng cho các đội cùng ngành, cùng lứa tuổi.
Theo mỗi cách chọn lựa, vai trò của đội trưởng cũng như nhiệm vụ được trao cho đội trưởng cũng khác nhau, và cách huấn luyện cũng khác nhau. Nhưng rõ ràng là đội trưởng được huấn luyện theo cả 2 cách này hiện đang thực sự điều hành các đoàn từ ngày TNTT mới tái lập đến nay. Dù theo cách nào, đội trưởng vẫn cần phải được huấn luyện tối thiểu về những kiến thức, kỹ năng và bản lãnh đủ để các em có thể điều hành đội.
Hiện nay, vì nhu cầu, xin đề nghị một chương trình huấn luyện đội trưởng, như bước khởi đầu đi đến sự hoàn hảo và thống nhất. Mong các huynh trưởng có kinh nghiệm coi đoàn đang khi xử dụng nhận xét và đóng góp thêm cho chương trình ngày thêm phong phú.
Khởi đi từ thực tế độc đáo của thiếu nhi là:
- Thiếu nhi Thánh Thể hiện nay không phải được thành lập từ số 0; Đoàn sinh TNTT không phải từ bên ngoài hay từ nơi khác tới, nhưng đã có sẵn trong tay chúng ta. Cần nhấn mạnh rằng chúng ta không có quyền chọn em này, bỏ em khác. Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn, là đón nhận tất cả mọi em. Nếu nói đến “tuyển chọn” trong TNTT là sự chọn lựa cấp lãnh đạo, chỉ huy mà thôi. Do đó có vấn đề chọn các em có phẩm chất trội vượt dể huấn luyện làm đội trưởng và rồi huynh trưởng.
- Vì vậy chương trình này cũng có thể được xử dụng như một bước quan trọng trong tiến trình thành lập đoàn ở những nơi chưa có đoàn sinh. Nhưng trên thực tế, như đã nói trên, tất cả các giáo xứ trong giáo phận đều đã có thiếu nhi đang học giáo lý.
- Do đó chương trình này chủ yếu nhắm cung đường lối, đề cương cấp tài liệu và kinh nghiệm để chọn lựa và huấn luyện đội trưởng từ các thiếu nhi mà chúng ta, dù muốn hay không, phải đón nhận và đã có sẵn trong tay (vì thế , trong tiến trình thành lập đoàn, mà nói đúng hơn là chuyển đổi thành TNTT, có thể bỏ qua giai đoạn “tự do ghi tên, làm đơn xin gia nhập và tuyển chọn đoàn sinh”!)
B.- TIẾN TRÌNH HUẤN LUYỆN
Huấn luyện đội trưởng là bước khởi đầu và căn bản cho việc tổ chức và giáo dục thiếu nhi. Theo phương pháp hàng đội, việc huấn luyện đội trưởng nên theo tiến trình sau:
I.- THÀNH LẬP ĐỘI KIỂU MẪU:
Đội kiểu mẫu là đội gồm những em được chọn lựa trước để huấn luyện mai sau làm đội trưởng hoặc đội phó.
1) Chọn lựa:
Việc chọn lựa có thể tiến hành theo 3 cách. Thực tế đã cho thấy mỗi cách đều có ưu và khuyết điểm riêng. Nhưng không nên cực đoan, đặt nặng về hình thức hay mô hình tổ chức: phải là cách này hoặc cách khác. Vấn đề cần quan tâm là tùy hoàn cảnh từng nơi, từng thời điểm để chọn lựa cách huấn luyện sao cho có hiệu quả giáo dục và hiệu quả tổ chức.
* Chọn các em trong số các thiếu nhi đang học giáo lý: Ở nơi có các em đang học giáo lý nhưng chưa được tổ chức đội ngũ: (mỗi souer hoặc mỗi giáo lý viện phụ trách một nhóm khoảng ba bốn chục em. Hoặc chọn các em đang làm đội trưởng nhưng chưa được huấn luyện: Các em đã được chia đội, nhưng đội trưởng chưa thể làm việc đúng chức năng.
* Đưa các em hơn hẳn một ngành hoặc chính các dự trưởng hoặc huynh trưởng vào làm đội trưởng.
2) Tiêu chuẩn chọn lựa:
Cần chọn những em có các phẩm chất sau:
* Vóc dáng, tuổi: Ít nhất bằng hoặc lớn hơn một chút so với các em trong đội.
* Đạo đức: Siêng năng đi lễ, học giáo lý, vâng lời…
* Trí tuệ: Có trí thông minh từ trung bình trở nên: Để xác định tiêu chuan này có thể căn cứ vào thành tích học tập ở trường học phổ thông và thành tích hoc giáo lý.
* Năng khiếu: có tư chất, tiềm năng lãnh đạo. Có khả năng tự nhiên được các bạn tín nhiệm, đi theo, làm theo, nghe lời.
* Hoàn cảnh gia đình: Cha mẹ, anh chị em đạo đức, thuận hòa. Bầu khí gia đình bảo đảm về nền tảng giáo dục ban đầu của em. Nền tảng này rất quan trọng và cần thiết cho việc hình thành nhân cách cách và tiền đồ của các em sau này. (Vẫn có ít trường hợp đặc biệt các em tốt xuất thân từ gia đình không có bầu khi thuận lợi)
* Giao tiếp xã hội: Có thành tích giao tiếp tốt, có bạn tốt. Các em có khả năng hội nhập tập thể, có tiềm năng thu hút người khác. Trái lại trẻ em cô độc hay gay gỗ là dấu chỉ của một trẻ em có tâm lý không bình thường, không có tư chất chỉ huy.
II.- HUẤN LUYỆN.
· Nội dung huấn luyện:
+ Đội Trưởng Au
1. Hiệu lệnh tập họp: Khẩu hiệu; Thủ hiệu
2. Các thế đứng: nghỉ, nghiêm trong nghiêm tập TNTT
3. Đổi thế đứng; đứng - ngồi trong nghiêm tập TNTT
4. So hàng dọc; hàng ngang; vòng tròn; bán nguyệt (có cờ và không có cờ)
5. Cách chào TNTT (có cờ và không có cờ) – Ý nghĩa cách chào
6. Đội tập họp trong đoàn: hàng dọc; ngang; tròn; chữ U (có cờ và không có cờ)
7. Trình diện cá nhân – Trình diện đội (có cờ và không có cờ)
8. Đội tham dự nghi thức chào cờ chung của đoàn
9. Di hành đội (có cờ)
10. Tổ chức đội – các chức vụ
11. Nhiệm vụ của Đội Trưởng – Đội Phó – Thư Ký Đội – Thủ Quỹ Đội …
12. Thiếu Nhi Tân Hành Ca
13. Bài ca ngành
14. Cờ đội – Tên đội - Bài ca đội
15. Kinh đội trưởng
16. Lời nguyện tông đồ
17. Thánh bổn mạng đội – Tiểu sử thánh bổn mạng – ngày lễ kính
18. Họp đội
19. Nút dây – morse
20. Trò chơi đội
21. Cách làm Hoa Thiêng cá nhân – đội
+ Đội Trưởng Thiếu
22. Sổ sách đội
23. Họp đội
24. Đội làm công tác
25. Thi đua trong đội
26. Dựng lều
27. Dấu đường – quốc ngữ điện tín
28. Đội thi đua trong chi đoàn, phân đoàn, đoàn
+ Đội Trưởng Nghĩa
29. Đội xuất du, dã ngoại, vào sa mạc
30. Đội tham gia công tác cộng đồng
31. Đội tham gia công tác từ thiện, bác ái
32. Gửi và nhận morse – mật thư dấu đường
33. Dựng – trang trí lều
34. Đội vào sa mạc
35. Đội tham gia hành trình sa mạc
36. Bếp truyền thống - Nấu ăn ngoài trời
· Các Bước Huấn Luyện :
+ Những em được chọn trong mỗi chi đoàn họp thành một đội, do các trưởng chi đoàn phụ trách, gồm đội trưởng và đội phó : Đội Kiểu Mẫu
+ Đội kiểu mẫu họp mỗi tuần một lần. Sinh hoạt như một đội mà chi đoàn trưởng là đội trưởng
+ Nội dung học như nêu trên (Phần II)
+ Ngoài giờ sinh hoạt đội kiểu mẫu, các em vẫn sinh hoạt với đội của em như bình thường.
+ Sau thời gian huấn luyện, các chi đoàn trưởng báo cáo đoàn trưởng để được thẩm định đạo đức, tư cách, khả năng
+ Những em đủ điều kiện sẽ được chuẩn bị trao quyền chỉ huy đội và tuyên hứa làm đội trưởng.
+ Sau khi nhận quyền chỉ huy đội và tuyên hứa, các em vẫn sinh hoạt đội kiểu mẫu để thường xuyên bồi dưỡng, và học thực hành.
+ Nội dung buổi họp đội kiểu mẫu : Đội trưởng Đội Kiểu Mẫu điều khiển. Thủ tục như họp đội (xem họp đội, chi đoàn trong TLHLHT cấp I, 2005) ; Nội dung gồm :
- Học bồi dưỡng, ôn tập kiến thức và kỹ năng đội trưởng
- Học trước các đề tài mà các em trong đội sẽ học vào tuần tới
- Báo cáo tình hình cá đội, rút kinh nghiệm và điều chỉnh giúp các đội trưởng làm tốt hơn
- Giao công tác cho các đội nếu có
· Cách Huấn Luyên Chung :
- Huynh trưởng (đội trưởng đội kiểu mẫu) đồng hành với các đội sinh (đội trưởng thiếu nhi)
- Quan sát các đội sinh hoạt và hội họp. Nhất là đội trưởng, đội phó. Ghi nhận (bằng trí nhớ hoặc bằng sổ tay) những điều đúng để khích lệ và phát triển ; những điều sai để uốn nắn, điều chỉnh trong các buổi họp đội kiểu mẫu
- Các đội trưởng thiếu nhi tiến bộ tới đâu, Đội trưởng đội kiểu mẫu trao thêm nhiệm vụ tới đó. Tránh để các em nhàm chán với công việc đơn điệu ; tránh chất quá nặng trên vai các em khiến các em căng thẳng, nảy sinh tâm trạng sợ việc
- Theo sát, hướng dẫn, nhưng không sửa sai hoặc khiển trách đội trưởng trước mặt đội sinh của các em. Nếu có cơ hội nên biểu dương các em giúp các em tự tin hơn
- Tạo cơ hội cho các em thể hiện khả năng giúp các em cầu tiến. Thí dụ : Khi các em thi hành công tác, kết quả có thể không bằng các trưởng làm, nhưng không có sai trái đáng tiếc, Trưởng cứ để các em làm và bằng lòng với kết quả khiêm tốn các em đã đạt được. Để rồi sau đó giúp các em nhìn ra khuyết điểm và sửa chữa để lần sau làm tốt hơn. Đó là tiến trình trưởng thành của các em. Trưởng không nên cầu toàn, sinh ra bao biện, ngăn cản tiến trình trưởng thành của các em, khiến các em « thất nghiệp », chán nản, mất tự tin và buông xuôi.
- Sinh hoạt đội kiểu mẫu phải là sinh hoạt chuẩn để các em học tập về làm cho đội mình. (Bài học, nghi thức, đồng phục, nghiêm tập …)
- Ngoài những nguyên tắc chung về điều hành và tổ chức, huynh trưởng lắng nghe, quan sát và trợ giúp từng đội trưởng với từng tình huống đặc thù của đội.
· Cách Huấn Luyên Đặc Biệt Theo Tình Hình Riêng Của Mỗi Nơi.
- Khi đoàn có đoàn sinh, mà đội trưởng còn quá yếu, trong thời gian chờ đợi huấn luyện, có thể tạm chọn các em ở trên một ngành hoặc chọn các dự truởng, hoặc chính các trưởng của chi đoàn làm đội trưởng.
- Nhưng sau đó, khi các em đã đượchuấn luyện, phải để các em cùng ngành, cùng lứa tuổi làm đội trưởng để giúp các em phát triển tinh thần đồng đội, tinh thần trách nhiệm, tự đào luyện bản thân.
- Bất cứ trong trường hợp nào Huynh trưởng vẫn là người anh, người cố vấn sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ, chia sẻ và đồng hành với các em trong tiến trình giáo dục.
Không ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Ban đã từng là đội trưởng ? chi đoàn trưởng ? đoàn trưởng ?
- ĐÃ RÔI ! Đó là một trong những yếu tố cần để bạn có thể huấn luyện các đội trưởng của bạn.
- CHƯA ! Đừng lo, bạn vẫn có thể nếu bạn cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu, quan sát, thực tập trước khi huấn luyện người khác. Với trình độ và nhiệt tình của bạn, dù ở trường hợp nào, bạn cũng có thể BIẾT LÀM nếu bạn MUỐN LÀM và DÁM LÀM.
FX. Trần Ngọc Lợi chủ tịch Liên Đoàn An Rê Phú Yên
Phuơng Pháp Trình Diện
Trình Diện
Tổng Quát Về Việc Trình Diện
Trong các sinh hoạt của Thiếu Nhi Thánh Thể, trình diện là một phương thức thao diễn để tỏ cho mọi người thấy nét đẹp của một đoàn thể có kỷ luật. Trình diện cũng là một cách thức giáo dục, giúp đoàn viên về phương diện lịch sự, lễ phép, biết kính cấp trên, biết nhường bậc dưới etc..
Có hai hình thức trình diện, thường quen gọi là trình diện cá nhân và trình diện đội: để nhận chỉ thị, phúc trình, báo cáo công tác, lãnh tua hoặc lãnh cờ danh dự etc.. Để đạt được mục đích trình diện, mỗi hình thức đều đòi hỏi kỹ năng và nguyên tắc trình diện khác nhau.
Trình Diện Cá Nhân
Khi nhận được lệnh trình diện, cá nhân mau mắn chỉnh tề lại y phục, mang theo bút và sổ tay để ghi chép tới nơi trình diện (nếu là Đội Trưởng, cầm theo cả cờ Đội).
Cá nhân đến trước mặt Trưởng cách ba bước.
Đứng thế nghiêm, giơ tay chào Trưởng (đội Trưởng chào lại xong rồi bỏ tay xuống).
Đứng nghiêm chờ Trưởng ban lệnh (nên ghi vào số để khỏi sơ sót), hoặc phúc trình, báo cáo các công tác đã thi hành lên Trưởng (trình bày ngắn gọn và đầy đủ các công tác đã thi hành).
Trình Diện Nhiều Cá Nhân
Khi nhận được lệnh trình diện, các cá nhân mau mắn chỉnh tề lại y phục, mang theo bút và sổ tay để ghi chép, đi thẳng tới nơi trình diện.
Sắp thành một hàng ngang trước mặt Trưởng cách khoảng ba bước (mọi người tự sắp xếp sao cho Trưởng đứng ở giữa).
Người đứng phía ngoài cùng bên trái của Trưởng khi thấy mọi người đã đầy và nghiêm chỉnh trong hàng ngũ thì hô chào Trưởng: "Chuẩn bị chào - Chào!" Chờ Trưởng chào lại xong, rồi tất cả bỏ tay xuống.
Đứng nghiêm chờ Trưởng ban lệnh (nên ghi vào sổ để khỏi sơ sót), hoặc từng người phúc trình, báo cáo các công tác đã thi hành lên Trưởng (trình bày ngắn gọn và đầy đủ các công tác đã thi hành).
Sau khi nhận lệnh hoặc phúc trình xong, người đứng bên trái của Trưởng ra lệnh: "Chuẩn bị chào - Chào!" Chào Trưởng rồi lui gót (không cần thêm động lệnh hay khẩu lệnh nào khác).
Trình Diện Đội
Được lệnh trình diện Đội, Đội Trưởng báo cho đội viên chỉnh tề y phục và chuẩn bị sổ bút dụng cụ nếu cần.
Đội Trưởng hô tên đội một lần: "Seraphim" cả Đội đáp lại khẩu hiệu đội: "Trong trắng!"
Đội Trưởng dẫn Đội chạy vòng quanh Trưởng ngược chiều kim đồng hồ, đến sắp thành hàng ngang nghiêm chỉnh trước mặt Trưởng cách ba bước.
Đội Trưởng so hàng đội, sau khi hô tên và cả Đội đáp lại khẩu hiệu đội, Đội Trưởng dùng cờ lệnh lẫn khẩu lệnh cho Đội quay mặt vào Trưởng: "Bên trái - Quay!" ; "Chuẩn bị chào - Chào!" Chờ Trưởng chào lại xong, rồi tất cả bỏ tay xuống.
Đội Trưởng tự động tiến lên trước mặt Trưởng (không chào) để nhận chỉ thị hoặc phúc trình công tác. Sau đó trở về vị trí đội.
Đội Trưởng ra lệnh cho cả Đội chào biệt Trưởng: "Chuẩn bị chào - Chào!" Sau đó di chuyển Đội về vị trí bằng khẩu lệnh: "Bên phải - Quay!" ; "Đàng trước - Bước!" (Nhớ đi vòng sau lưng Trưởng ngược chiều kim đồng hồ).
Trình Diện Các Đội Trường
Nghe hiệu lệnh tập họp các Đội Trưởng (― • • / ―). Các Đội Trưởng nhanh nhẹn chỉnh tề y phục, mang giấy bút, cầm cờ đội chạy thẳng lên sắp hàng ngang trước mặt Trưởng cách ba bước và đứng thế nghiêm đợi lệnh.
Khi thấy các Đội Trưởng đã đầy đủ và nghiêm chỉnh trong ngũ, Đội Trưỏng Đội Trực ra chào Trưởng: "Chuẩn bị chào - Chào!" Chờ Trưởng chào lại xong, rồi tất cả bỏ tay xuống.
Giữ thế nghiêm để nhận chỉ thị hoặc phúc trình công tác.
Sai khi nhận lệnh hoặc phúc trình xong, Đội Trưởng Đội Trực ra lệnh chào Trưởng: "Chuẩn bị chào - Chào!" Chờ Trưởng chào lại xong, các Đội Trưởng bỏ tay xuống và tự động di chuyển về vị trí đội (không cần thêm động lệnh hay khẩu lệnh nào khác)
Các Thế Nghiêm Tập Căn Bản
Tổng Quát Về Nghiêm Tập
Nghiêm Tập là một phần quan trọng trong chương trình huấn luyện Đoàn Viên Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.
Nhờ Nghiêm Tập, người trẻ thấm nhuần tinh thần kỷ luật tập thể, có hàng ngũ, ý thức trách nhiệm, thấy được vẻ đẹp hùng hậu và nét đồng nhất của một đoàn thể.
Đoàn thể nào càng chú ý đến Nghiêm Tập càng tỏ ra có kỷ luật nghiêm minh, càng có thứ tự lớp lang gọn gàng.
Để chỉ huy giỏi, điều hành vững và tăng uy tín, Trưởng cần ban lệnh rõ ràng, tự tin và dứt khoát, để người nhận lệnh thi hành một cách đồng nhất, mau lẹ và đúng đắn.
Để ban hành lệnh Nghiêm Tập, Trưởng ban dự lệnh trước rồi mới ban động lệnh sau. Thí dụ: (Dự lệnh là) "Chuẩn bị chào" (Động Lệnh là) "Chào!"
Các Hiệu Lệnh:
Trong thực hành, các hiệu lệnh giới được phối hợp trước sau hoặc cùng một lúc để ra lệnh tập họp đội hình etc.. PT/TNTT sử dụng các hiệu lệnh sau đây:
Khẩu Lệnh: Dùng tiếng hô bằng miệng để ra lệnh.
Thủ Lệnh: Dùng tay để ra hiệu.
Âm Lệnh: Dùng còi, tù và, chiêng trống để ra lệnh.
Cờ Lệnh: Dùng cờ để ra lệnh.
Các Khẩu Hiệu:
Các khẩu hiệu được dùng trong Phong Trào
Ấu Nhi - Ngoan
Thiếu Nhi - Hy Sinh
Nghĩa Sĩ - Chinh Phục
Hiệp Sĩ - Dấn Thân
Đội Trưởng - Gương Mẫu
Huynh Trưởng - Phụng Sự
Trợ Tá - Phục Vụ
Các Thế Đứng
Thế Đứng Nghỉ Không Cầm Cờ: Chân trái đưa sang trái khoảng một bước, hai tay đưa sau lưng, bàn tay trái nắm cổ bàn tay phải và để ở ngang thắt lưng.
Thế Đứng Nghỉ Có Cầm Cờ: Chân trái đưa sang trái khoảng một bước, bàn tay trái nắm lại để sau lưng, tay phài cầm cờ đưa ra phía trước xéo sang bên phải một chút (khoảng 30 độ). Cán cờ chấm đất ngay đầu ngón chân cái của chân phải.
Thế Đứng Nghiêm Không Cầm Cờ: Đứng thẳng người, hai gót chân sát vào nhau và hai bàn chân mở ra một góc 45 độ, mắt nhìn thắng về phía trước, hai tay xuôi tự nhiên theo người.
Thế Đứng Nghiêm Có Cầm Cờ: Đứng thẳng người, kéo cờ sát vào người, mắt nhìn thẳng về phía trước, tay không cầm cờ buông xuôi tự nhiên theo thân người.
Cách Đổi Thế:
Có thể đổi từ thế nghỉ sang thế nghiêm hay ngược lại bang một trong các cách sau đây:
Dùng Khẩu Lệnh
Đoàn Sinh đang đứng ở tư thế nghỉ, Trưởng hô lên khẩu hiệu Ngành, tên đội hoặc tên sa mạc.
Tất cả Đoàn Sinh hô câu đáp, đồng đứng về thế nghiêm. Thí dụ: Thiếu Nhi (Nghỉ), Hy Sinh! (Nghiêm).
Dùng Thủ Lệnh Nghỉ
Đoàn Sinh đang đứng ở tư thế nghiêm để chờ lệnh nghỉ.
Tay phải Trưởng nắm lại, giơ cao vòng trên đỉnh đầu, long bàn tay hướng về phía trước mặt, đồng thời bàn tay trái nắm lại đề đàng sau lưng.
Chân trái đưa sang trái khoảng một bước.
Dùng Thủ Lệnh Nghiêm
Đoàn Sinh đang đứng ở tư thế nghỉ để chờ lệnh nghiêm.
Trưởng làm ba động tác như ở tư thế nghỉ (trên).
Tay phải Trưởng phất xuống sát thẳng bên hông phải, đồng thời chân trái rút về tư thế nghiêm.
Hai tay nắm lại để xuôi thằng hai bên hông.
Dùng Cờ Lệnh Nghỉ
Đoàn Sinh đang đứng ở tư thế nghiêm để chờ lệnh nghỉ.
Trường đưa chân trái sang ngang phía trái một bước, tay trái nắm lại để đàng sau lưng, tay phải cầm cờ đưa ra phải trước, xéo sang bên phải một chút (khoảng 30 độ).
Cán cờ chấm đất ngay đầu ngón chân cái của chân phải.
Dùng Cờ Lệnh Nghiêm
Đoàn Sinh đang đứng ở tư thế nghỉ để chờ lệnh nghiêm.
Trưởng làm ba động tác như ở tư thế nghỉ (trên).
Kéo cờ sát vào người, tay cầm cờ để xuôi tự nhiên.
Đồng thời rút chân trái về thế nghiêm, tay trái để xuôi về bên hông.
Dùng Còi Hiệu
Tiếng còi thổi dài (Tè: ―): Nghỉ
Tiếng còi thổi ngắn (Tích: •): Nghiêm
Các Cách Chào:
Thiếu Nhi Thánh Thể chỉ dùng một cách chào duy nhất áp dụng cho tất cả thành viên trong Phong Trào.
Cách Chào Không Cầm Cờ
Đứng thế nghiêm, đưa bàn tay phải lên ngang vai.
Bốn ngón thằng sát vào nhau.
Ngón tay cái ép vào giữa long bàn tay.
Cách tay trong khép với mình một 30 độ.
Tay ngoài song song với thân mình.
Cánh tay trái để xuôi thẳng tự nhiên theo bên hông.
Cách Chào Khi Có Cầm Cờ
Chuyển cờ sang bên tay trái.
Chân cờ vẫn giữ nguyên vị trí ở ngay đầu ngón chân cái của chân phải
Giơ tay phải lên chào.
Thủ Hiệu Chào Được Dùng Khi
Đoàn Sinh gặp nhau.
Khi chào đón quan khách.
Khi trình diện.
Khi chia tay.
Khi chào cấp trên, phải đợi cấp trên chào lại xong rồi hạ tay xuống. Vẫn giữ thế nghiêm cho đến khi có lệnh nghỉ.
Cách Di Hành
Trước khi di hành, Trưởng luôn cho Đoàn Sinh đứng ở thế nghiêm.
Hô khẩu lệnh: "Đàng trước - Bước!"
Khi di chuyển mà có cầm cờ khi:
Kẹp cán cờ dưới nách.
Tay phải giữ cán cờ sát người và để lá cờ nằm phải sau lưng.
Bàn tay phải cầm xuôi theo cán cờ tự nhiên.
Cách Giải Tán Hàng
Trước khi giải tán, Trưởng luôn cho Đoàn Sinh đứng ở thế nghiêm.
Khi ra lệnh giải tán: Trưởng để hai tay chéo trước ngực, tay trái để bên trong và tay phải để bên ngoài, hai bàn tay nắm lại, long bàn tay úp về phía ngực nhưng không sát ngực.
Trưởng hô khẩu lệnh: "Giải tán." Đồng thời hai tay vung ra.
Đoàn Sinh đáp lại: "Vui!." Đồng thời vung cao hai tay, nhảy lên và giải tán hang.
Cach Đứng Và Ngồi
Tư Thế Đứng: Khi Đoàn Sinh đang ngồi, muốn cho đứng lên:
Trưởng hô: Hướng Tâm.
Đoàn Sinh đáp: Lên!
Và đứng dậy ngay ở thế nghiêm.
Tư Thế Ngồi: Khi Đoàn Sinh đang đứng, muốn cho ngồi xuống:
Trưởng hô: Về Đất.
Đoàn Sinh đáp: Hứa!.
Đồng thời ngồi ngay xuống như sau:
Chân phải bắt chéo trước chân trái và ngồi xuống.
Khi mặc jupe: hai chân sát nhau, quỳ xuống, gấp sang trái.
Nếu có cờ: gác cán cờ trên vai phải (lá cờ nằm phía sau lưng).
Cách Đổi Thế Quay:
Trước khi chuyển sang các thế quay, Trưởng luôn cho Đoàn Sinh đứng ở thế nghiêm
Quay Bên Phải
Trưởng dùng khẩu lệnh hô: "Bên phải - Quay!"
Hoặc Trưởng dùng thủ lệnh: tay phải cầm cờ hất về phía bên phải của Đoàn Sinh.
Khi nhận lệnh quay, Đoàn Sinh lấy gót chân phải và các đầu ngón chân trái làm trụ.
Xoay về bên phải một góc 90 độ.
Đoạn nhấc chân trái đặt gót sát gót bàn chân phải ở vị thế nghiêm.
Quay Bên Trái
Trưởng dùng khẩu hiệu hô: "Bên trái - Quay!"
Hoặc Trưởng dùng thủ lệnh: tay phải cầm cờ hất về phía bên trái của Đoàn Sinh.
Khi nhận lệnh quay, Đoàn Sinh lấy gót chân trái và các đầu ngón chân phải làm trụ.
Xoay về bên trái một góc 90 độ.
Đoạn nhấc chân phải đặt gót sát gót bàn chân trái ở vị thế nghiêm.
Quay Đàng Sau (chỉ dung khẩu lệnh)
Trưởng dùng khẩu hiệu hô: "Đàng sau - Quay!"
Khi nghe dự lệnh: 'đàng sau" Đoàn Sinh nhấc bàn chân phải lên đưa ra đàng sau.
Đặt mũi chân phải chấm đất cách xa gót chân trái một bàn chân, gót nâng cao.
Khi nghe động lệnh: "quay" Đoàn Sinh lấy các mũi chân phải và gót chân trái làm trụ, quay ra phía sau về hướng phải một góc 180 độ (hai tay vẫn xuôi và sát than người), đứng ở thế nghiêm.
Nếu cầm cờ, tay vẫn giữ xuôi sát thân người khi quay.
Bước Chuyển Vị Trí (chỉ dung khẩu lệnh): Trước khi ra lệnh chuyển bước, Trưởng luôn cho Đoàn Sinh đứng ở thế nghiêm.
Bước đàng trước: Trưởng dùng khẩu lệnh hô: Đàng trước - Bước.
Bước đàng sau: Trưởng dùng khẩu lệnh hô: Đàng sau - Bước.
Bước bên phải: Trưởng dùng khẩu lệnh hô: Bên phải - Bước.
Bước bên trái: Trưởng dùng khẩu lệnh hô: Bên trái - Bước.
Bước đều: Trưởng dùng khẩu lệnh hô: Bước đều - Bước.
Đứng lại: Trưởng dùng khẩu lệnh hô: Đứng lại - Đứng.
Chỉnh hàng: Khi phải chỉnh hàng lúc trình diện, Đội Trưởng Đội Trực lấy Trưởng Trực làm chuẩn mà chuyển vị trí. Thí dụ: "Bên (phía nào) Trưởng Trực (bào nhiếu bước) bước - Bước!"
Các Đội Hình Căn Bản
Tổng Quát Về Các Đội Hình:
Thiếu Nhi Thánh Thể sử dụng năm (5) đội hình căn bản sau đây trong các sinh hoạt thường xuyên:
Hình Dọc
Hình Ngang
Hình Chữ U
Hình Tròn
Hình Bán Nguyệt
Kỷ Luật Tập Họp
Khi tập họp, Đoàn Sinh phải nhanh nhẹn, trật tự và im lặng (trừ khi tập họp hình tròn được ca hát lúc di động).
Đội Trưởng luôn đi đầu, Đội Phó luôn đứng cuối hàng
Hiệu Lệnh Khi Tập Họp
Trưởng Điều Khiển luôn đứng ở thế nghiêm khi ra lệnh tập họp.
Thường dùng còi hoặc tù và để báo hiệu tập họp.
Trong khi tập họp thì dùng cả thủ lệnh (tay) và âm lệnh (còi).
Điều Khiển Tập Họp
Trước Khi Tập Họp
Trưởng Điều Khiển thổi một hồi còi dài chuẩn bị.
Khi nghe lệnh tập họp, Đoàn Sinh ngưng mọi công việc.
Đội Trưởng tập họp Đội lại, kiểm điểm sí số, chỉnh tề y phục và chờ lệnh.
Đang Khi Tập Họp
Trưởng Điều Khiển thổi còi lệnh và kèm theo thủ hiệu đội hình.
Khi nghe lệnh tập họp, Đội Trưởng hô tên Đội, các đội viên đáp lại khẩu hiệu Đội.
Trong các đội hình (ngoại trừ hang dọc), Đội Trưởng dẫn Đội chạy vòng quanh Trưởng Điều Khiển một vòng (ngược chiều kim đồng hồ) đến vị trí tập họp theo thủ hiệu đội hình của Trưởng Điều Khiển.
Đội Trưởng Đội Trực có nhiệm vụ điều chỉnh các Đội đứng cho đúng hàng.
Sau đó Đội Trưởng Đội Trực hô chào Trưởng Điều Khiển: "Chuẩn bị … Chào!" (chỉ có các Đội Trưởng chào khi tập họp hàng dọc).
Sau Khi Tập Họp: Sau khi chỉnh hàng, nếu thấy chưa hoàn chỉnh, Trưởng Điều Khiển nêu rõ khuyết điểm để sửa sai. Các Đội đứng nghiêm chờ lệnh.
So Hàng Đội
Khi đến vị trí họp, Đội Trưởng phải so hàng đội để ổn định hàng ngũ (trừ tập họp hình tròn và bán nguyệt).
Đội Trưởng đứng ở thế nghiêm ra lệnh so hàng đội: "Seraphim, nhìn trước - Thẳng!"
Cùng lúc với động lệnh "Thẳng", khi có cầm cờ: Đội Trưởng đưa tay phải cầm cờ nâng lên trước mặt, cánh tay duỗi thẳng song song với mặt đất, làm thành một góc 90 độ với thân mình.
Khi không cầm cờ, Đội Trưởng đưa tay phải lên trước mặt, cánh tay duỗi thẳng song song với mặt đất, làm thành một góc 90 độ với thân mình. Bàn tay xòe ra, năm ngóc khép lại long bàn tay hướng về phía bên trái.
Nếu thấy hàng chưa thẳng, Đội Trưởng sẽ dùng cờ đội hoặc tay đưa qua đưa lại để đội viên chỉnh lại hàng ngũ.
Trong khi đó người đội viên đứng đầu đưa tay phải lên cao thẳng cánh, bàn tay mở ra, các ngón khép kín, lòng bàn tay hướng về phía trái. Còn các đội viên khác đưa tay phải chạm lên vai phải người trước mặt.
Khi thấy hàng đã thẳng, Đội Trưởng hô: "Thôi!" Đồng thời hạ cờ xuống. Các đội viên bỏ tay xuống, vẫn đứng ở thế nghiêm.
Đội Trưởng hô tên Đội mộ lần: "Seraphim". Các đội viên đáp lại khẩu hiệu đội: "Trong trắng!" Khi cần, Đội Trưởng cho đội viên đứng thế nghỉ bằng cách dùng thủ lệnh hay cờ lệnh cho về thế nghỉ.
Tập Họp Hàng Dọc
(Dùng để tập họp chung, thông báo, điểm danh, dạy khóa, nghỉ lễ phụng vụ etc..)
Tập Họp Một Hàng Dọc
Trưởng Điều Khiển đưa thẳng cánh tay phải lên trước mặt hợp với thân mình một góc 90 độ.
Bàn tay mở ra, năm ngón khép lại, lòng bàn tay hướng về phía trái. Tay trái để xuôi theo thân mình như ở thế nghiêm.
Đội Trực chạy thẳng tới trước mặt Trưởng Điếu Khiển các ba bước và đứng vào vị trí theo thứ tự đội.
Các Đội khác đứng tiếp theo sau Đội Trực, lần lượt so hàng đội thành một hàng dọc trước mặt Trưởng Điều Khiển.
Ổn định xong hàng ngũ, Đội Trưởng Đội Trực hô chào Trưởng Điều Khiển. Các Đội Trưởng giơ tay chào Trưởng Điều Khiển (các đội viên không phải chào).
Tập Họp Nhiều Hàng Dọc
Trưởng Điều Khiển đưa thẳng cánh tay phải lên trước mặt hợp với thân mình một góc 90 độ.
Bàn tay mở ra, năm ngón khép lại, lòng bàn tay úp xuống hướng về phía mặt đất. Tay trái để xuôi theo thân mình như ở thế nghiêm.
Các Đội chạy thẳng tới trước mặt Trưởng Điếu Khiển và đứng vào vị trí theo thứ tự đội mình (từ trái sang phải đổi diện Trưởng). Đội Trực đứng phía ngoài cùng bên trái của Trưởng Điều Khiển làm chuẩn.
Các Đội đứng cách Trưởng Điền Khiển từ ba (3) đến sáu (6) bước (tùy theo địa thế và số đội ít hay nhiều, càng ít đứng càng gần) và cách nhau một cánh tay.
Ổn định xong hàng ngũ, Đội Trưởng Đội Trực hô chào Trưởng Điều Khiển. Các Đội Trưởng giơ tay chào Trưởng Điều Khiển (các đội viên không phải chào).
Tập Họp Hình Chữ U
(Dùng trong các nghi thức khai mạc và bế mạc, lễ chào cờ, lễ phải thưởng etc..)
Trưởng Điều Khiển đưa tay phải ngang vai. Gặp cánh tay lại thành một góc 90 độ hướng lên cao, bàn tay nắm tay, long bàn tay quay vào đối diện với đầu của Trưởng.
Tay trái để xuôi theo thần mình như ở thế nghiêm.
Đội Trực luôn luôn dẫn đầu, sau đó tới các Đội thứ tự chạy quanh Trưởng Điều Khiển ngược chiều khim đồng hồ, và xếp thành hình chữ U đều đặn trước mặt Trưởng Điều Khiển.
Các Đội Trưởng linh động so hang đội. Rồi ra thủ lệnh hoặc cờ lệnh cho Đội quay vào phía tay (không dung khẩu lệnh)
Ổn định xong hàng ngũ, Đội Trưởng Đội Trực hô chào Trưởng Điều Khiển. Tất cả Đoàn Sinh giơ tay chào Trưởng Điều Khiển.
Tập Họp Hình Tròn
(Dùng trong các sinh hoạt vui, họp đội, hội thảo nhóm etc..)
Trưởng Điều Khiển giơ hay tay vòng trên đầu, hai bàn tay xoè ra năm ngón khép lại, lòng bàn tay úp xuống, hai đầu ngón tay giữa chạm nhau nhưng không sát đầu.
Các Đội tuần tự chạy ngược chiều kim đồng hồ vòng quanh Trưởng Điều Khiển.
Đang khi chạy, Đội Trưởng Đội Trực có bổn phận bắt hát để tạo bầu khí vui tươi hăng hái.
Các Đội vừa chạy vừa hát cho tới khi vòng tròn đều và có lệnh ( •Tích) của Trưởng Điều Khiển thì đứng lại rồi tự động quay mặt vào giữa.
Ổn định xong hàng ngũ, Đội Trưởng Đội Trực hô chào Trưởng Điều Khiển. Tất cả Đoàn Sinh giơ tay chào Trưởng Điều Khiển.
Tập Họp Hình Bán Nguyệt
(Dùng trong các sinh hoạt hội diễn , thảo luận, dạy khóa etc..)
Trưởng Điều Khiển giơ tay phải lên đầu, bàn tay xòe ra, năm ngón khép lại, lòng bàn tay úp xuống nhưng không sát đầu. Tay trái xuôi theo thân mình như ở thế nghiêm.
Đội Trực chạy dẫn đầu, các Đội thứ tự chạy theo sau vòng quanh Trưởng Điều Khiển ngược chiều kim đồng hồ.
Đội Trưởng Đội Trực đứng lại khi tới ngang phía tay trái Trưởng Điều Khiển. Các Đội sắp xếp sao cho người Đội Phó của đội cuối cùng đứng ngang phía bên tay phải Trưởng Điều Khiển, tạo thành nửa vòng tròn lấy Trưởng Điều Khiển làm tâm.
Để hình bán nguyệt được đều, khi đứng lại, các đội viên tự động hướng mặt vào giữa, nắm tay hai người bên cạnh so hang cho tới khi hang cong đều, thì buông tay và đứng ở thế nghiêm.
Ổn định xong hàng ngũ, Đội Trưởng Đội Trực hô chào Trưởng Điều Khiển. Tất cả Đoàn Sinh giơ tay chào Trưởng Điều Khiển.
Tập Họp Hàng Ngang
(Dùng để trình diện, dàn hàng làm công tác vệ sinh trong sa mạc etc..).
Tập Họp Một Hàng Ngang
Trưởng Điều Khiển đưa tay phải thẳng ngang vai phải, bàn tay mở ra, các ngón khép lại, lòng bàn tay hướng về phía trước. Tay trái xuôi theo thân mình như ở thế nghiêm.
Đội Trực chạy dẫn đầu, sau đó tới các Đội thứ tự chạy quanh Trưởng Điều Khiển ngược chiều kim đồng hồ, tới trước mặt Trưởng Điều Khiển cách ba bước, sắp thành một hàng ngang.
Đội Trưởng Đội Trực căn sao cho Trưởng Điều Khiển luôn đứng ở giữa hàng. Khi thấy hàng đội đã cân, Đội Trưởng Đội Trức đứng lại so hàng đội mình và các Đội khác thứ tự so hàng đội tiếp theo sau. Đội nào so hàng xong, tự động cho quay về phía Trưởng Điều Khiển.
Ổn định xong hàng ngũ, Đội Trưởng Đội Trực hô chào Trưởng Điều Khiển. Tất cà Đoàn Sinh giơ tay chào Trưởng Điều Khiển.
Tập Họp Nhiều Hàng Ngang
Trưởng Điều Khiển đưa tay phải thẳng ngang vai phải, bàn tay mở ra, các ngón khép lại, lòng bàn tay úp xuống đất. Tay trái xuôi theo thân mình như ở thế nghiêm.
Đội Trực chạy dẫn đầu, sau đó tới các Đội thứ tự chạy quanh Trưởng Điều Khiển ngược chiều kim đồng hồ, tới trước mặt Trưởng Điều Khiển cách ba bước, sắp thành hàng ngang.
Đội Trưởng Đội Trực chậm lại căn sao cho Trưởng Điều Khiển luôn đứng ở giữa hàng. Khi thấy hàng đội đã cân, Đội Trưởng Đội Trực đứng lại so hàng đội, rồi dùng cờ lệnh hoặc thủ lệnh cho Đội quay về phía Trưởng Điều Khiển. Đội Trường đứng kế tiếp lấy Đội Trưởng trước mặt làm chuẩn, đứng sao cho cách một cách tay, sau đó so hàng đội của mình. Các Đội khác cũng làm như thế.
Ổn định xong hàng ngũ, Đội Trưởng Đội Trực hô chào Trưởng Điều Khiển. Tất cà Đoàn Sinh giơ tay chào Trưởng Điều Khiển.
MỘT SỐ BÀI CA TNTT
THIẾU NHI TÂN HÀNH CA
Thiếu nhi Việt nam đứng lên trong giai đoạn mới. Theo tiếng Giáo Hội và tiếng quê hương kêu mời. Được trang bị dũng mạnh bằng tinh thần mới. Tuổi trẻ Việt nam hăng hái xây thế hệ ngày mai. Cùng đi hỡi các thiếu nhi. Cùng đi với Chúa Kitô, nguồn sống Thánh Thể chan hòa, là lý tưởng của người thiếu nhi hôm nay. Thiếu nhi Việt Nam quyết tâm trong giai đoạn mới. Thánh hóa môi trường rèn những khả năng phi thường. Bằng nguyện cầu hi sinh và một bầu khí mới. Tuổi trẻ Việt Nam đem Chúa cho giới trẻ Việt Nam
ẤU NHI CA
Như những nụ hoa xuân xinh, em Ấu nhi luôn hiền hòa, luôn tươi cười tươi như hoa. Đời em nguyện luôn chăm ngoan. Noi theo gương Chúa Hài Đồng em yêu đời mến mọi người và sống mãi tuổi ngây thơ
KINH HUYNH TRƯỞNG.
Lạy Chúa Giêsu huynh trưởng tối cao. Xin dạy con biết hi sinh cao thượng, phụng sự Chúa và giúp ích mọi người. Xin dạy con biết hi sinh không cần báo đáp, luôn xông pha không ngại bão táp đẹp ý Cha trên trời trong tình thương yêu hết mọi người.
DÂNG NGÀY
Ngày nay con dâng cho Chúa, xin Chúa thương nhận hồn xác chúng con. Mọi cơn gian nan nguy khó, chúng con xin cầu theo ý ( Đức) Giáo Hoàng sớm hôm.
KINH TRƯỚC BỮA ĂN
Nguyện xin, nguyện xin Chúa cả mở tay chúc phúc. Cho chúng con dùng nên, cho chúng con dùng nên các thực phẩm này.
LỜI HỨA THIẾU NHI
Đôi bàn tay trời ban cho em. Đây ngón trỏ em hứa nguyện cầu. Ba ngón sau em nguyện hi sinh ( nè ) Rước Lễ ( nè) làm việc tông đồ chuyên chăm. Với bốn ngón tay xếp đều, em quyết giữ lời chào Thiếu Nhi : Hi Sinh
BÀI CA GỌI LỬA THIÊNG
Lửa thiêng ơi, hãy đến bùng sáng lên trong đêm âm u, soi đời tăm tối bao nhiêu âu lo. Lửa thiêng ơi, hãy đến bùng cháy lên, mang cho đời ngàn ánh vinh quang vui hân hoan.
BÀI CA CHÀO LỬA THIÊNG
Ố, ô, ô ồ. Ố, ô ô ồ. Cầm tay nhau, quay vòng bên lửa mới. Lửa bốc cháy tâm hồn ta hăng hái. Đón ánh lửa thiêng, đây đoàn ta chung lời ca, bên lửa bập bùng. Bập, bập bùng lửa thiêng reo vui, nhạc trầm trầm hòa ca chơi vơi lửa rực sáng chiếu đêm âm u, anh em ơi, ta cùng nhau lên tiếng ca rằng (vỗ tay ba cái). Lửa linh thiêng soi màn đêm u tối. Lửa cháy sáng ấm lòng ai lạnh lẽo. Lửa thiêng muôn đời, ta cùng vui đem lửa thiêng soi lòng mọi người. Ố, ô, ô, ồ. Ố, ô, ô, ồ.
MANG LỬA VỀ TIM
Màn đêm buông lơi theo ánh lửa dần tàn. Tình anh em ta theo ánh lửa tràn lan. Tim ta đây còn khắc ghi bao nhiêu mối tình mặn nồng. Lửa đêm nay tan nhưng lửa tim còn cháy âm thầm ngàn đời, biệt ly muôn phương ta nguyền đem lửa thiêng rải rác khắp chốn. Mong mai sau, ngọn lửa thiêng cháy lên đốt lòng mọi người.
CA TẠM BIỆT
Rời tay chúng ta vui lên đường nghĩa vụ.
Bạn ơi đừng quên nhé phút giây sum vầy.
Tay trong tay mình vui lên nhé.
Tim sắt se sầu thương não nề.
Vui ra đi sầu vương trên mắt.
Xa cách nhau mình nhớ nhau hoài.
KINH TỐI
Trời đã xế chiều Giêsu ơi, con nhờ tay Mẹ Maria,
Mà dâng lên Chúa, dâng chút lời cám ơn, dâng trót cả xác hồn: Các việc con làm, các lời con xin, cùng với mọi khó nguy con chịu trót một ngày qua. Cùng với bóng chiều tà, Giêsu Maria, con hòa ca dâng về nơi bao la, Chúa ban phép lành một đêm ngủ an bình. Hồn trong xác tươi xinh.
Khẩu hiệu Thiếu nhi
Cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, làm tông đồ.
Khẩu hiệu thiếu nhi em bền tâm tuôn giữ.
Cầu nguyện, rước lễ hy sinh làm tông đồ.
Khẩu hiệu thiếu nhi em chẳng quên bao giờ
Nguồn: http://tnttvn.com
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Post a Comment